
Một trong những điều mình học được khi ở đây là Học-Cách-Từ-Bỏ, cái thứ mà ngày xưa luôn trăn trở không biết làm sao để thực hiện…
.
Ở đây, người ta hiếm khi nào ở một miếng đất từ đời này sang đời khác, nhà thuê có thể đổi liên tục, vì vậy mà đồ đạc cũng khó đi theo mình. Người ta không có thói quen (và luật ko cho phép) chôn người đã mất ở sau vườn nhà, hay bên mé ruộng làm nông, mà phải tập kết về nghĩa trang, vì vậy cũng không có cái câu “làm sao mà đi, phải ở để giữ mồ mả ông bà…”
Một mặt, đời sống tinh thần và sợi dây liên kết có phần lỏng hơn, nhưng một phần nó giúp người sống có cơ hội để sống hơn. Họ di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác, họ miệt mài “du canh du cư” để khám phá nhiều nơi và trải nghiệm nhiều thứ. Họ không có nhiều cơ hội giữ lại chiếc xe đạp đầu tiên, quyển sách lớp một tập viết, hay cái bàn thời thơ ấu… Những cửa hàng đồ cổ luôn được tìm thấy dù ở town rất nhỏ…
Cuộc sống chuyển dịch đó làm mình biết buông bỏ hơn. Ngày xưa nếu mua cây viết mới cũng còn giữ hoài cây viết cũ dù nó rẻ và thậm chí tầm thường, nhưng có một mối dây liên kết tự nhiên trong quãng thời gian dùng nó làm mình không nỡ bỏ. Và tương tự với nhiều thứ khác, nhà mình đầy rác!
Và tương tự với nhiều thứ bên trong con người, tới lúc nhận ra lòng mình đầy rác.
…
À thì ra phải biết buông bỏ mới có chỗ tiếp nhận cái mới, người mới, tình mới. Biết ơn những điều đã qua và tôn trọng những điều sắp tới, đó mới là cách sống!
Người mà cái gì cũng giữ lại, chưa chắc là vui, nhưng chắc chắn là buồn…
Phiên Nghiên _ NZ tháng tám 2014