
Lúc nhìn tấm ảnh này, tôi đã vô cùng xúc động! Cái ôm ấm áp của Trịnh Công Sơn và một chút ngại ngùng khép nép của cô Khánh Ly năm 1997, đã chạm tê tái vào trái tim tôi. Hôm nay là kỷ niệm ngày mất của ông, cái ngày mà mười mấy năm trước, tôi tưởng người ta nói đùa, đùa chi mà ác quá, vì đó cũng là cái thời tôi ôm ấp nhạc Trịnh, không cần hiểu rõ, chỉ thấu lời ca bằng kinh nghiệm sống non nớt của mình, tôi nhận ra ông yêu cuộc đời một cách ức chế, và lạc quan trước cái chết chờ đợi phía xa. Đó là một tinh thần sống rất thoải mái, đón nhận, chấp nhận, và hành động từng giây phút, nên tôi hay cười khi bạn nói nhạc Trịnh nghe chỉ muốn tự vẫn! Một bài hát không chỉ được nhìn bằng đôi mắt của tác giả, mà còn phải được thấu bằng trái tim của chính người nghe…
.
Từ lâu tôi ko nghe Trịnh Công Sơn thường xuyên nữa, tôi thấy mình đã mất đi một chút gì (từ khi người và Người mất), như một sợi dây liên lạc cô độc và lấp lánh từ phía tôi, chứ không phải tự phía âm nhạc! Cũng mấy năm, rồi gần đây, khi tôi đọc được những dòng này của ông, tôi có khẽ khàng một chút, “Việt Nam là nơi duy nhất tôi có thể sống và sáng tác. Khi tôi đi ra nước ngoài, tôi không còn nghe thấy tiếng nhạc vang lên trong đầu mình, tôi không còn nghe được ý thơ trong những lời hát mình viết ra. Tôi cũng thích đi ra nước ngoài quan sát, chiêm ngưỡng, nhưng nếu tôi đi xa Việt Nam lâu quá, tôi sợ rằng mình sẽ khô héo và chết. Sự ấm áp của con người Việt Nam giống như suối nguồn mà một bông hoa cần phải có để sống”. Tôi không chỉ xa cái suối nguồn đó, tôi rời xa nguồn cảm hứng cho thế giới bên trong tôi, tôi rời xa người có thể ngồi cùng tôi thưởng thức một ly Trịnh đầy bên điếu thuốc dang dở một chiều oi nắng ngoài cửa sổ, tôi đang bận bịu cùng cuộc đời, và tôi vẫn là một bông hoa rực rỡ yêu thương cuộc đời nhưng đã bán bớt hương thơm cho gió…
.
Tấm ảnh này làm tôi cảm thấy quen thuộc. Một cái ôm quen thuộc, một nỗi trăn trở cảm thông cho cuộc bôn ba của nàng Lệ Mai, một sự gặp gỡ hai nguồn nước bị chia tách.
Tôi biết người ta phải sống dài như vậy, để tìm mãi cơ duyên gặp một người mà mình có thể nép vào lòng chia sẻ cùng một nhịp cảm giao, để san đi nhiều trắc trở! Đời ngắn quá đủ làm cho người ta mất kiên nhẫn mà lao vào nhiều lạc-duyên, nhưng thời gian sao có thể giấu che, khoảng cách sao có thể ngăn cách? Khi một người mươi năm gặp lại vẫn tròn cái ôm rất tình rất trong, và không cần nói mà người-ta vẫn hiểu trọn những câu chuyện những uất ức thời nghìn trùng xa cách, thì người-ta quả thật là nguồn cảm hứng và sự may mắn của nhau rồi!
…
Cảm ơn bác Osin Huyduc chia sẻ tấm ảnh do Dương Minh Long chụp. Đây là một trong rất hiếm khoảnh khắc Khánh Ly gặp lại Trịnh Công Sơn kể từ khi ‘Sài Gòn thay đổi’ (từ dùng của Khánh Ly). Bức ảnh do nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long chụp trong lần cuối cùng hai người gặp nhau vào ngày 27/1/1997 tại 47C Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn”.
Tôi biết người ta phải sống dài như vậy để tìm mãi một cơ duyên – Phiên Nghiên