
Có một tui đứng chờ tui lớn lên…
Tui vẫn hay thấy mình đứng ngẩn ngơ dưới cây cau kế hiên nhà, những trái cau kiểng nhỏ xíu vàng ươm ngọt lịm thứ mật hiếm hoi làm tui mê mẩn. Chiều xách tô cơm ra ngoài hiên ăn, tui vẫn ngó đếm chừng coi khi nào thì buồng cau xanh kia trổ chín, để tui mân mê từng trái một lủm vô miệng rồi nhắm mắt ghi nhớ cái mùi hương vị ngọt chóng vánh tan trong cổ họng. Tui vẫn nói với mình, lớn lên sẽ trồng nhiều thiệt nhiều cau nha, để có mà ăn hoài hoài, tui mê vậy mà không hay rằng, có trồng nhiều cau đi nữa, tui cũng chỉ có một mùa tuổi thơ mà thôi.
Tuổi thơ, dù nhận thức có nó để hưởng thụ từng khắc một hay không, cũng chỉ có một mùa. Tui không hiểu sao tuổi thơ của tui qua mau quá, kiểu như chưa từng xuất hiện trên đời, nếu như những loại mùi kỳ lạ không nằm trong trí nhớ nữa, tui chắc còn hồ nghi mình là bầu bí vụt lớn lên…
Tui nhớ mùi nhãn lồng đằng sân trước, cái thứ có thể tắt lịm mọi giác quan. Tui nhớ mùi mặt đường đất đỏ những ngày mưa dữ, lúc tui còn kéo đồng bọn ra tắm mưa đá banh chọi dép, nó ngai ngái thương yêu. Tui nhớ cái mùi tóc má tui phảng phất khi chở tui trên chiếc bê-xê màu đỏ cũ xì cà xịch cà đụi. Tui nhớ mùi mấy con heo nái khi tắm cho nó, tui vỗ mông nó bạch bạch, rồi nó biết tự ngậm vòi uống nước xong dòm tui kiểu như biểu tui khen nó giỏi, mùi cám xộc lên mũi chua loét (hồi mẹ bán lứa heo đủ kí tui khóc quá trời, thấy người ta cân con heo tui thương mà đứt ruột, sau đó lâu lắc không đụng đũa tới thịt heo)…
Ừa, mấy cái ký ức như vậy thỉnh thoảng lóe lên trong đầu tui như đèn được khêu rạng. Tui thấy mình còn ở ngay khúc đó mà.
.Rõ ràng tui còn ở ngay ngã tư Trần Hưng Đạo tối thui hối hả đạp xe nước mắt như mưa trong đêm tối thùi lùi lúc tiễn con bạn thân nhất đi xa, mùi xôi sầu riêng quấn quýt góc ngã tư.
.Rõ ràng tui còn ở ngay gốc cột đèn thứ ba nắm tay cái người tui thương đầu tiên mà tim nhảy lưng tưng bụng dạ lộn tùng phèo, mùi nước hoa xa xỉ nằm yên trong mũi.
.Rõ ràng tui còn ở ngay vườn ngò gai sau nhà nói chuyện với con chó vàng nó quất đuôi vô mặt tui thúi quắc mùi sình.
.Rõ ràng tui còn ở hành lang lớp Bông Sen múc muỗng cháo cà rốt khoai tây tui yêu thích, một mùi gạo rang thanh ngọt.
.Rõ ràng tui còn ở giữa sân trường đeo khăn quàng đỏ bước một hai, vai đeo thẻ hai gạch một sao lẫm liệt, mùi gánh bánh canh huyết với tiêu xay căn tin trường Thủ Khoa Huân rón rén chui vào cửa lớp mỗi giờ ra chơi mười lăm phút.
.Rõ ràng tui còn nằm trên tấm phản nhà cô Hồng đọc Ninja loạn thị cười rúc rích mỗi trưa trốn ngủ, để trong giấc mơ còn nghe mùi đặc sệt của thức ăn các loại mà thầy hay đi nấu đám.
.Rõ ràng tui còn đứng ở gốc me trường tiểu học đợi tiếng kèn tin tin của má đón tui dzìa, trên tay còn kẹo bông gòn mùi dâu ngọt trân…
.Ủa, sao chớp mắt, tui lại thành ra như vầy, tui lại ở đây, giữa cái chỗ người ngợm gì cũng lạ?
Cảm giác đó rõ ràng đến nỗi tui tin rằng tui có hai tui, một đứa đứng chờ tui lớn lên, một đứa lớn lên. Thì ra tuổi thơ của tui nó không có qua đi, nó chỉ do một tui khác giữ, mà tui này bận bịu quá chừng nên để lạc rồi…
Cái đứa tui-con-nít đó đã có lần dặn tui-kia, rằng ê mày chờ coi nhỏ A. lớn lên lấy chồng sẽ ngộ lắm, vì nó tưng tửng, như con trai vậy. Sau này, tui-kia mới hay nhỏ A. bạn mình nó chỉ thích… con gái thiệt. Tui lúc đó mới À… một tiếng khẽ khàng, ra vậy. Cái đứa tui-con-nít đó luôn có một sự tò mò vô bờ về nửa kia của bạn bè khi còn nhỏ xíu, lúc chơi trò cô dâu chú rể mà quánh nhau vì nhất định tui phải lấy thằng T. hiền đù nơi góc lớp làm chồng, trong khi nhỏ L. nhất định chọn thằng C. hoạt bát nhanh nhẩu sẽ làm giàu tha hồ mua sơn móng tay (hồi đó tụi tui hay nghĩ mấy đứa giàu mới sơn móng tay chóe lóe, cái mùi sơn móng tay nó dị biệt lắm). Tui-con-nít tin rằng chồng hiền dễ bảo hơn, phì cả nước miếng vào mặt con L., và trông chờ ngày tui-kia lớn lên khám phá coi mai mốt nó lấy chồng ra sao. Câu hỏi đó tui-con-nít để dành cho hết những đứa bạn nó cặp kè, còn ghi sổ là L. sẽ nhứt quyết lấy chồng lanh lẹ nữa.
Tui-kia lớn lên thì quên mất. Tới ngày thấy bạn L. lấy thằng chồng hiền queo như cục đất mới nhớ ra mình bỏ quên mình…
Có nhiều chuyện tui-kia quên mất lắm, trong khi tui-con-nít cứ chờ trông hoài những câu trả lời thích đáng. Tui-con-nít còn mãi cầm cuốn sổ những câu hỏi ngây ngô trong khi tui-kia bắt đầu bỏ rơi tuổi thơ ở lại bờ ao… Tui-con-nít còn chờ tui-kia lớn lên để thực hiện ước mơ làm cô giáo, khi nó nhớ hoài cái mùi phấn cà ra trộn nước làm sơn đủ màu, nhớ hoài mùi cây thước gỗ cô quánh tét mông… Tui-kia sẽ là một cô giáo dễ thương vui tính hết sức, hong bao giờ đì đẹt học trò. Tui-kia sẽ về thăm bà bán bánh canh, thăm cô Hồng, thăm cô giáo trường Bông Sen,… nói là tui-kia cảm ơn nhiều lắm! À, rồi còn thăm người thương cột đèn thứ ba nữa chứ, để hỏi một câu người xài nước bông hiệu con ngựa gì mà thơm dai quá trời, nó quấn trong tóc tui trong cả giấc mơ tui dai dẳng…
Tui-con-nít với bao ước ao dự định, đã đứng chờ hoài ở nơi đó, mà tui-kia lớn lên rồi chạy hụt hơi để trốn biệt đi, rồi đổ thừa thời gian lấy mất tuổi thơ để dồn ép kỷ niệm xơ xác như cánh hoa phượng trong vở trắng vậy.
Có một tui đứng chờ tui lớn lên…
Có một tui lớn lên rồi lãng quên. Lãng quên luôn một tui vẫn đứng chờ mòn mỏi để có được những câu trả lời…
Kỷ niệm lấp dày bởi bụi thời gian, và người ta từng quên mất những ước ao nhỏ nhoi tuổi thơ ấu. Có những điều tui-con-nít dám nghĩ, nhưng tui-kia không dám làm, nhưng có những điều tui-kia muốn làm trả lại cho tui-con-nít, thì không còn cơ hội nữa… Trưởng thành nghĩa là phải trả giá đắt, không chỉ là những bài học của cuộc đời, mà còn là gửi trả những con người mình từng thương yêu đi theo gió bụi. Tui-con-nít chưa bao giờ biết được rằng, những điều đơn giản mà nó mong mỏi, như hỏi coi sao tay người nóng vậy, mùi gì trên tóc mà thơm quá vậy, cảm ơn bài hát qua radio nghen, hay thú nhận hồi đó tui thương người dữ lắm… tới khi đủ can đảm để thấy mình không còn bị tổn thương nữa, thì cũng không còn cơ hội nữa. Người kia đã gửi cho tui-kia một sự im lặng rồi ra đi mãi mãi…
Vậy đó, mà có một tui chờ hoài, chờ một tui lớn lên, chờ những câu trả lời không bao giờ còn có thể nữa… Tui ơi!
Có một tui đứng chờ tui lớn lên – Phiên Nghiên